Truyện vui ngành thiết kế kiến trúc kì I : Tu bổ di tích chùa Phổ Minh

Trong đời một Kiến trúc sư thiết kế kiến trúc chắc hẳn trong các đồng nghiệp ở đây có người đã làm các công trình dự án tu bổ di tích, trong quá trình thực hiện có không tí những câu chuyện hỉ, nộ, ái, ố xung quanh. Trong bài viết này Kiến Trúc Vic xin được chia sẻ tới các đồng nghiệp một câu chuyện rất thú vị nhưng đầy nước mắt trong nghiệp KTS tu bổ di tích Tháp Phổ MinhChùa Phổ Minh tại Thành phố Nam Định

Họa đồ mặt đứng tháp Phổ Minh (qua thềm nền) và Ngôi Tháp trong quang cảnh sân trước chùa Phổ Minh

Lịch sử ngôi chùa

Chùa Phổ Minh (Phổ Minh tự 普明寺) hay chùa Tháp là một ngôi chùa ở thôn Tức Mạc, nằm cách thành phố Nam Định khoảng 5 km về phía bắc. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Theo biên niên sử, chùa được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua nhà Trần. Nhưng theo các minh văn trên bia, trên chuông thì ngôi chùa này đã có từ thời nhà Lý. Có thể chùa đã được xây dựng lại với quy mô rộng lớn từ năm 1262. Tuy đã nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn còn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đời Trần.

Kiến trúc chùa Phổ Minh

Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương, toà thượng điện cũng 3 gian nhưng rộng hơn, xếp theo hình chữ “công”. Bộ cửa gian giữa nhà tiền đường gồm 4 cánh bằng gỗ lim, to dày, chạm rồng, sóng nước, hoa lá và văn hoa hình học. Hai cánh ở giữa chạm đôi rồng lớn chầu Mặt Trời trong khuôn hình lá đề, được coi là một tác phẩm điêu khắc khá hoàn mỹ. Cũng như đôi sấu đá trên thành bậc tam quan và đôi rồng trên thành bậc gian giữa tiền đường, bộ cánh cửa này còn giữ được những dấu ấn của nghệ thuật chạm khắc đời Trần.

Một số công trình kiến trúc bài trí khác đã làm tô thêm vẻ đẹp của chùa Phổ Minh, như 3 gian tam quan khung gỗ, tường gạch, mái ngói rêu phong, cổ kính với bức hoành phong đề 4 chữ lớn. “Đại hùng bảo điện” và thành bậc thềm ở chính giữa có chạm đôi sấu đá rất sống động, hai hồ tròn thả sen nằm đăng đối hai bên lối đi dẫn vào chùa.

Tháp Phổ Minh

Kiến trúc thời nhà Trần được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đây là tháp Phổ Minh, dựng năm 1305. Tháp cao khoảng 20 m, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái… Tầng tháp thứ nhất đặt trên bệ đá, có hai lớp cánh sen, lớp dưới chúc xuống, lớp trên ngửa lên đỡ lấy tháp hình vuông, mỗi cạnh rộng hơn 5 mét. Bệ và tầng thứ nhất có những hình chạm nông trên mặt đá như hoa lá, sóng nước, mây cuốn, đặc trưng cho phong cách trang trí thời nhà Trần. Mặt ngoài những viên gạch các tầng trên được trang trí hình rồng.

Ngôi tháp Phổ Minh

Câu chuyện về Tu bổ di tích chùa Phổ Minh

Một tin vui không phải người dân thành Nam nào cũng biết đó chính là Tháp chùa Phổ Minh không thể lún! Mình xin nhấn mạnh đó chính là “KHÔNG THỂ LÚN

Năm 1992, Liên minh châu Âu (EU) có ngài đại sứ tên Trần Văn Thình kêu gọi được một nguồn tài chính của các tổ chức ngoại giao nguyện đầu tư tu bổ bảo tồn tổng thể chùa Tháp Phổ Minh thuộc xã Lộc Vượng – thành phố Nam Định. Dự án được khảo cứu, lập hồ sơ thiết kế tu bổ từ tổng thể tới từng hạng mục. Trong đó, hạng mục quan trọng nhất là ngôi tháp 14 tầng, tương truyền trong đó có quách chứa xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Vì là hạng mục chính yếu nên đơn vị thi công chúng tôi thực hiện việc tu bổ tuần tự với tất cả các hạng mục gồm Tiền Đường, Tam Bảo, Hậu Cung, Nhà Tổ, Phủ Mẫu, Tả Hữu vu, Ni phòng… hoàn chỉnh theo thức “nội công ngoại quốc”, cách thức thi công khoa học và lưu giữ hồ sơ tu bổ hoàn công cẩn trọng, và cuối cùng mới bắt tay nghiên cứu ngôi Tháp cổ đã có hơn 700 tuổi.

Kết cấu ngôi chùa

Theo giới thiệu rõ ràng là nền chân tháp thấp hơn mặt sân chùa tới gần 70 cm, thậm chí có người còn chỉ rõ chân góc tháp bị nền đè xuống bẻ cong bốn góc lên và tháp bị nghiêng nhìn mặt thường cũng thấy rõ – Thoạt nghe có vẻ có lý, song theo nguyên tắc tu bổ, cần dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học và kỹ thuật – may mắn chúng tôi mượn được thiết bị xuyên thăm dò nền đất cơ động của Thụy Điển mà Viện khoa học kỹ thuật xây dựng đang có, đưa vào khu vực chân tháp, dùng 4 người đứng lên đế bàn xuyên để làm đối trọng, thiết bị khoan sâu khoảng 50 cm thì mũi thép không thể đâm xuống tiếp được.

Tức là phần móng của ngôi tháp có chất liệu rất cứng. Chúng tôi liên tưởng tới các tảng đá sa thạch lớn là móng của Tháp Báo Nghiêm của chùa Bút Tháp (được đào bật lên thay thế bằng bè móng bê tông cốt thép trong quá trình tu bổ bảo tồn cả 3 ngôi tháp cổ Bình Sơn ở Vĩnh Yên, Báo Nghiêm ở Bắc Ninh và Phổ Minh ở Nam Định đều đã được thi công bảo tồn theo chỉ đạo của ngành Văn Hóa trong những thập niên 70~80 thế kỷ trước – nhưng riêng với tháp Phổ Minh mới chỉ thực hiện dỡ xây tới tầng thứ 8 thì dừng lại và xây lắp hoàn nguyên lại sau khi thấy khối quách đá.

Kết quả thăm dò

Từ kết quả thăm dò sơ bộ, chúng tôi thực hiện đào thám sát cấu trúc móng theo cách thức khai quật khảo cổ học thì một kết quả hoàn toàn bất ngờ, chúng tôi được chứng kiến và đầu tiên hiểu được một thành tựu kỹ thuật xây dựng nền móng kỳ tài của cổ nhân dành cho công trình lớn trên nền đất yếu – Đó là tạo ra một khối móng bằng hỗn hợp sỏi cuội nện chặt với đất sét vàng dày khoảng 70cm rộng hơn đế tháp 60 cm, tất thảy “ngồi” trên lớp đệm sỏi đầm chặt với lớp đất sét đen dày hơn 30 cm phía dưới.

Như vậy là với cấu trúc này, phần đế móng trở thành một khối kết cấu vô cùng chắc bền, tồn tại bất khả xâm thực, cả những khi có mạch nước ngầm hay ngập sâu trong mùa úng, minh chứng là phần 2 tầng đế tháp bằng đá khối không hề biến dạng, nứt nẻ trong suốt hơn 700 năm mà với ước tính trọng lượng của ngôi tháp khoảng hơn 700 tấn . Điều này được phát hiện này trước khi chúng ta khai quật và tìm hiểu di tích Hoàng thành Thăng Long hàng chục năm .

Tổng mặt bằng nguyên trạng trước kỳ tu bổ chùa Tháp Phổ Minh

 

Mặt cắt dọc tổng thể chùa Tháp Phổ Minh

Tháp không thể lún?

Như vậy là ngôi tháp không thể lún, thế vì sao nền đế lại thấp hơn mặt sân tới hơn nửa thước? và chúng tôi đã tìm ra căn nguyên rất cụ thể: Khi xây dựng chùa, phần trước sân không có hồ giếng gì cả, vào thời kỳ sau, theo ý thức tạo cảnh quan theo kiểu phong thủy, người ta cho đào 2 giếng rộng hình tròn đường kính hơn 20m, sâu gần 3m, toàn bộ khối lượn đất đó được dùng để tôn đắp toàn mặt sân cho cao ráo, nhưng tới ngôi Tháp, người ta không dám xâm phạm tới vẻ đẹp đã nổi danh và được lưu truyền, bèn cho xây một áo nền sân bao quanh chân tháp và xử lý lối bậc bó cấp rồng đá cho hoàn thiện phần không gian chân tháp như ngày nay .

Sau báo cáo nghiên cứu và kết luận này, toàn bộ cơ quan chính quyền tỉnh Nam Định, sở Văn Hóa, Bảo tàng tỉnh, các nhà tài trợ và đơn vị tư vấn và thi công tu bổ di tích đều thở phào, mừng vui vì nỗi lo ngại bao lâu nay đã được hóa giải bằng kết luận tốt hơn mong đợi, và tất nhiên phần kinh phí dự kiến cho công đoạn này cũng không phải xuất chi – Vui tất thảy với một di tích nổi tiếng của nước nhà tồn tại vượt thời gian mà không bị xâm phạm.

Rồng đá bó bậc cấp xuống mặt nền Tháp

Lời ngỏ

Những câu chuyện buồn vui trong nghề thiết kế kiến trúc, tu bổ di tích được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp, không ngoài mục đích để chúng ta có một tiếng nói dù là nhỏ bé của những người làm công tác tu bổ di tích. Những mong sau này, khi tới một di tích ta vẫn còn được thấy những vết tích, văn hóa nghệ thuật của cha ông để thực sự tự hào.

Nguồn : KTS Trần Quang Trung Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018 

LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI

Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp Kiến Trúc VIC : HOTLINE TƯ VẤN 24/7: 0813687777 hoặc cung cấp nội dung theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến dịch vụ Thiết kế Kiến Trúc của chúng tôi.





    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

    Liên Hệ Ngay!