Xây dựng phần thô gồm những gì?
Trong xây dựng nhà, công trình thường thì có 2 phần cơ bản là phần thô và phần hoàn thiện.
Phần thô là phần móng cùng bể ngầm, các hệ thống kết cấu chịu lực (khung, cột, dầm, sàn bêtông), mái bê tông, cầu thang, bản và xây bậc, hệ thống tường bao che và ngăn chia, trát (tô)…việc hoàn tất các khoản vừa nêu giống như trong bản vẽ là đã xong cái khung sườn nhà.
Còn phần hoàn thiện bao gồm các công đoạn tạo vẻ thẩm mỹ cho ngôi nhà như: trát tường, láng sàn, ốp lát gạch, sơn bả tường, lắp đặt hệ thống kỹ thuật điện, thiết bị về sinh cấp thoát nước, điện thoại, chống sét, …tức là những hạng mục còn lại để hoàn thiện căn nhà gọi là phần hoàn thiện.
Nhà đẹp, công trình đẹp là câu cửa miệng của tất cả các chủ nhà, chủ đầu tư khi yêu cầu kiến trúc sư và nhà thầu thi công. Để thực sự có được một mái nhà, công trình lý tưởng, điều cần trước hết là người chủ nhà phải xác định rõ vẻ đẹp ngôi nhà phải luôn đi kèm với chất lượng. Đó là một yêu cầu chính đáng của các chủ nhà, các nhà đầu tư, nhưng để đạt được những yêu cầu tưởng như rất dễ dàng đó lại có rất nhiều vấn đề bàn cãi.
Khi xây nhà, đương nhiên phần nào cũng quan trọng, nhưng việc xây thô là quan trọng nhất, từ việc chọn nguyên vật liệu làm sao để đảm bảo chất lượng mà lại hợp giá cả, thì phương pháp thi công và bảo dưỡng của giai đoạn xây thô là những điều mà chủ nhà, chủ đầu tư cần quan tâm, và nên dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin, càng thu thập nhiều thông tin càng giúp chủ đầu tư, chủ nhà có được sự lựa chọn đúng đắn. Bởi muốn một ngôi nhà hoàn thiện phải có phần xương cốt vũng chắc, đạt các tiêu chuẩn về xây dựng nhà cũng như các điều kiện khác.
Phần thô là tiền đề quan trọng cho tất cả các quy trình, hạng mục, các bộ môn thi công sau này, vì thế nó cần được tính toán một cách kĩ lưỡng.. Phần thô càng tốt, càng chuẩn, càng chính xác thì những phần sau thi công càng thuận tiện, càng tiết kiệm chi phí và thời gian, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến công trình (như đục phá, sửa chữa nhà ở…). Nếu tính toán kỹ, khi thi công phần thô sẽ làm cho các nội dung sau thuận lợi chính xác. Ngược lại, cứ làm ào ào với cách nghĩ: rồi hoàn thiện sẽ xử lý được hết; thì có thể hậu quả sẽ khôn lường.
Các công đoạn trong xây dựng phần thô
Phần thô trong xây dựng dân dụng, nói một cách ngắn gọn là có các nội dung công việc chính như sau: làm ván khuôn; gia công thép + lắp dựng; đổ bê tông; xây khối xây gạch. Đây là những công việc rất nặng nhọc, thi công trong môi trường khó khăn (thường là ngoài trời). Và đây cũng là công việc đòi hỏi kỹ thuật cao, cần những kiến thức – đặc biệt là kết cấu xây dựng; đòi hỏi sự tính toán chu đáo, cẩn thận, khoa học.
– Thời điểm kết thúc phần nền móng cũng là thời điểm bắt đầu việc xây dựng phần khung nhà. Khung nhà được hiểu là bao gồm toàn bộ hệ khung kết cấu bê tông cốt thép và hệ thống tường bao, tường ngăn chia của nhà.
– Một hệ khung nhà bao giờ cũng bao gồm 5 thành phần chính: cột nhà (để truyền lực xuống đất), dầm nhà (hay đà, dùng để kết nối và truyền lực xuống các đầu cột), bản sàn (hay tấm, được đổ gối lên các hệ dầm, là nơi nâng đỡ các vật thể trong nhà), tường nhà (gồm tường bao và tường ngăn chia, được xây bằng gạch), và cầu thang, là bộ phận kết nối giữa các tầng nhà.
– Việc thực hiện xây dựng phần khung nhà cũng như khi làm móng bao gồm các công việc chính là: đan thép, ghép cốp pha, đổ và đầm bê tông, chờ bê tông ngưng kết, rút cốp pha, xây tường. Công việc này không đơn giản nhưng cũng chẳng phức tạp, chỉ cần lưu ý một số điểm chính:
– Việc đan thép phải theo đúng chỉ định của bản vẽ kết cấu, đúng chủng loại và độ dài của các cấu kiện thép
– Việc ghép cốp pha cần thực hiện theo đúng quy chuẩn công trình xây dựng về lựa chọn gỗ cốp pha, kết nối các cốp pha thật chặt và gọn gàng.
– Việc đổ đầm bê tông có thể thực hiện thủ công bằng máy trộn bê tông, hoặc thực hiện bằng xe trộn bê tông chuyên dụng, bơm bê tông bằng vòi bơm tùy vào đơn vị thi công. Tuy nhiên, quá trình trộn cần lưu ý đúng tỷ lệ giữa giữa các chất liệu để có một hỗn hợp đạt tiêu chuẩn. Khi đầm bê tông thì yêu cầu phải đầm đều tay.
– Việc rút cốp pha cần lưu ý sao cho thời gian ngưng kết của bê tông phải đủ ngày, không nên vì tiến độ gấp gáp mà rút cốp pha sớm, gây ra nhiều tai nạn sập bê tông đáng tiếc.
– Việc xây tường cần lưu ý xây làm sao cho thẳng, mạch đều. Trong quá trình xây cần liên tục kiểm tra độ thẳng bằng quả dọi. Vữa xây cần trộn đúng tỷ lệ, đảm bảo độ kết dính và chống nước thẩm thấu qua.
Qua đây, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của phần thô trong xây dựng nhà ở và việc xem nhẹ phần thô, đặc biệt là sai xót trong khâu thi công và bảo dưỡng bê tông là vấn đề không hiếm trong thực tế. Có những ngôi nhà với vẻ bề ngoài thật mỹ mãn, chau chuốt nhưng ẩn sau bên trong đó là những dấu hiệu, những căn bệnh tiềm ẩn nằm sâu bên trong ngôi nhà.
Theo đó, kinh nghiệm quản lý xây dựng nhà của gia chủ rất quan trọng. Họ cần phải chủ động hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm xây nên ngôi nhà của mình, cần lựa chọn những nhà thầu đáng tin tưởng và quan tâm đến phần thô trước khi nghĩ về trang trí, nội thất cũng như phong thủy của căn nhà. Có thể lấy một câu nói của ông cha ta đó là : “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để vận dụng trong trường hợp này, khi ta mong muốn có được một công trình, một ngôi nhà ưng ý cả về chất lượng cũng như vẻ bọc bên ngoài của nó. Rõ ràng, chất lượng là cái tiềm ẩn bên trong nhưng lúc nào nó cũng đóng vai trò quan trọng, được đánh giá, quan tâm hơn cả.
– Mong rằng các thông tin trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về xây thô để đưa ra phương án hợp lý hơn.